Thánh Kateri Tekakwitha – Bông huệ của dân Mohawk

1656-1680

Tìm Chúa

Ngày 21.10.2012 tới đây tại Rôma, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ tuyên thánh cho một thiếu nữ 24 tuổi người da đỏ ở Bắc Mỹ, hoa trái của hoạt động truyền giáo của các thừa sai và tử đạo Dòng Tên.

Tiểu sử của chị được hai cha Dòng Tên người Pháp là Pierre CholenecClaude Chauchetière, phụ trách giáo điểm Kahnawake, soạn thảo ngay sau khi chị qua đời. Chị sinh năm 1656 tại làng Ossernenon, ngày nay là Auriesville, trong thung lũng Mohawk, tiểu bang New York, Hoa Kỳ.

Vào thời của chị, hầu hết các dân tộc bản địa ở khu vực Băc Mỹ còn bán khai. Chẳng hạn họ giết và ăn thịt người. Cha chị là Kenneronkwa, một thủ lãnh Mohawk, thuộc sắc dân Iroquois, thù nghịch với sắc dân Algonquin sống trên lãnh thổ Canada ngày nay, và rất ghét đạo. Mẹ chị là Tagaskouita thuộc sắc dân Algonquin, theo đạo Công Giáo, sinh trưởng và được học với các thừa sai Dòng Tên ở vùng Trois-Rivieres, trên đất Canada hiện nay. Trong một trận tấn công của dân Mohawk, bà bị bắt đem về làng Ossernenon cùng với một số người khác. Tại đây, bà kết hôn với viên thủ lãnh ngoại giáo. Hai người sinh được một con gái và một con trai. Lúc còn rất nhỏ, chị được mẹ kể chuyện về Chúa Giêsu và dạy đọc kinh. Năm chị 4 tuổi, một cơn dịch giết chết nhiều người trong vùng, trong đó có cha mẹ và em trai của chị. Bản thân chị bị rỗ mặt và mắt rất kém. Mồ côi, chị được cậu và hai dì nuôi dưỡng, theo thói quen mẫu hệ của dân Mohawk.

Sau trận dịch, cậu chị thay cha làm thủ lãnh, đưa dân làng đến định cư ở Caughnawaga, cách làng cũ gần 10 km, hiện nay là Fonda. Như các thiếu nữ Mohawk khác, chị được học may vá thêu thùa, kể cả làm dây thắt lưng bằng da thú. Chị học dệt chiếu, đan giỏ và hộp bằng sậy hay cói.  Chị thông thạo chế biến thức ăn từ thú săn được hay từ nông sản. Chị cũng tham gia trồng tỉa hay nhổ cỏ theo thời vụ. Tóm lại, chị được dạy để trở nên một phụ nữ đảm đang trong gia đình. Có một điều hơi khác thường: người ta thấy cô bé Tekakwitha thường hay vào rừng một mình, không biết tại sao. Chị không quên những gì mẹ đã dạy: chị thích ở một mình để nhớ lại những điều mẹ kể và đọc các kinh mẹ dạy. Năm 13 tuổi, theo thói quen trong làng, chị được thúc giục lấy chồng, nhưng chị không chịu. Đây là điều lạ thường đối với các cô gái Mohawk.

Thời ấy dân Mohawk vừa thù nghịch với dân Algonquin vừa thù nghịch với người Pháp ở Canada. Tuy nhiên, họ suy yếu sau nhiều cuộc chiến và nhiều trận dịch. Năm 1673, cha Lamberville đến dựng một nhà nguyện ở đó, vừa để giúp những người đã có đạo vừa để truyền giáo cho những người chưa theo đạo. Cậu của chị vốn ghét đạo nhưng phải chấp nhận vì sợ người Pháp. Chị đến nhà nguyện đọc kinh, dự lễ và học giáo lý. Lễ Phục Sinh năm 1674, chị được rửa tội với thánh danh Kateri, tức là thánh nữ Catarina.

Sau khi gia nhập Hội Thánh, chị bị chống đối mạnh mẽ từ gia đình đến dân làng. Hằng ngày chị bị trẻ em chế diễu và nhiều khi bị ném đá. Vì chị dành ngày Chúa nhật để đi lễ và học giáo lý, không làm việc, nên gia đình không cho ăn. Chị bị đe dọa nếu không bỏ đạo sẽ bị đánh và giết. Vừa để tránh những hoạt động thù nghịch, vừa muốn hoàn toàn dâng mình cho Chúa, theo lời khuyên của cha phụ trách giáo điểm, 6 tháng sau ngày được rửa tội, chị cùng với mấy người quen trốn nhà, đi bộ hơn 2 tháng, vượt rừng vượt suối, băng qua hơn 320km đến giáo điểm Thánh Phanxicô Xavier Sault Saint-Louis theo cách gọi của người Pháp, hay Kahnawake theo cách gọi của thổ dân, ngay cạnh thành phố Montreal. Giáo điểm này được các thừa sai Dòng Tên thành lập để truyền giáo cho dân Algonquin. Vào lúc thánh Kateri Tekakwitha đến, đời sống đạo ở giáo điểm đã khá ổn định. Chị đến ở nhà dài của bà Anastasia Tegonhatsiongo, một người bạn thân của mẹ chị, bên bờ sông Saint-Laurent. Cùng ở với bà Anastasia có một vài thiếu nữ khác: họ sống với nhau như một cộng đoàn nữ tu, nhưng không có tổ chức chi hết.

Thuộc trọn về Chúa

Kahnawake, ngay lập tức đời sống của chị được mọi người khen ngợi. Chị chăm chỉ đến nhà thờ đọc kinh dự lễ, nhiều khi ở một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể lâu giờ. Chị siêng năng lần hạt Mân Côi và lúc nào cũng đeo tràng hạt ở cổ. Chị hiền lành, ít nói, chăm làm, hay giúp đỡ người khác. Lễ Giáng Sinh năm 1677, chị được rước lễ lần đầu.

Khẩu hiệu của chị Kateri là: “Ai sẽ cho tôi biết điều gì đẹp lòng Chúa nhất để tôi thực hiện?” Ngoài các việc đạo đức, chị thường xuyên thăm viếng và giúp đỡ những người già cả và đau yếu trong làng. Chị cũng chỉ bảo các em bé về giáo lý và cầu nguyện theo như chị hiểu. Một thú vui của chị là trồng những cây Thánh Giá bằng gỗ trong rừng để nhắc nhở mình cũng như mọi người về việc cầu nguyện.

Cả ở Kahnawake, áp lực về hôn nhân vẫn còn. Ngày 25.3.1679, sau khi hỏi ý kiến cha phụ trách, chị tuyên khấn trọn đời sống khiết tịnh. Đây là điều chưa từng có trong các thổ dân địa phương. Chị muốn thuộc riêng và thuộc trọn về Chúa Giêsu. Cha Cholenec thuật lại lời chị: “ Con đã suy nghĩ kỹ rồi. Con đã quyết định từ lâu rồi. Con muốn hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu, con của Mẹ Maria. Con chọn Người làm chồng, và chỉ mình Người cưới con làm vợ thôi.”  Các cha đề nghị với các phụ nữ đạo đức một vài việc hãm mình nhỏ, không ngờ họ đi xa hơn nhiều. Do lòng đạo đức và quan niệm riêng, bà Anastasia hướng dẫn chị cũng như những người khác làm nhiều việc khổ chế để đền tội cho dân tộc mình và cầu nguyện cho dân tộc mình theo đạo.

Trong số những người bạn cùng sống ở nhà dài với chị có Maria Têrêxa Tegaiaguenta. Hai người gặp nhau lần đầu vào mùa xuân năm 1678. Vì lòng đạo đức, cả hai cùng bắt đầu bí mật đánh tội. Cha Cholenec sau này cho biết là mỗi lần họ dùng dây tua đánh tội từ 1000 đến 1200 cái. Chị Kateri đã thực hành như vậy hằng ngày cho đến chết. Một chị khác tên là Maria Skarichions cho biết về đời sống và hoạt động của các nữ tu. Họ quyết định cùng nhau xin cha phụ trách cho lập một dòng nữ. Các cha Dòng Tên cho là chưa thích hợp nên ngăn cản. Khi chị Maria Têrêxa rời nhóm, chị Kateri trở thành “thủ lãnh” của nhóm. Chị thường khuyên: (1) Hãy can đảm, bất chấp những lời nói của những người không có đạo; (2) Vững tin là chúng ta sống đẹp lòng Chúa và tôi sẽ giúp chị khi tôi lên với Chúa; (3) Đừng bao giờ bỏ việc khổ chế.

(Hinh5)

Vì thường xuyên hãm mình và khổ chế, sức khỏe của chị Kateri suy giảm nhanh chóng. Đến Tuần Thánh năm 1680, chị kiệt sức. Cha Cholenec thuật lại buổi chiều thứ tư Tuần Thánh:

“3 giờ chiều, chuông nhà nguyện đổ để tập họp cộng đoàn, vì nhiều người muốn có mặt khi chị tắt thở. Chị thấy mọi người hiện diện đông đủ. Mọi người quỳ gối cầu nguyện. Sau nửa giờ ngắn ngủi, chị nói những lời cuối cùng: ‘Iesos! Wari!’ (Giêsu! Maria!) Rồi chị hơi nhép miệng bên phải. Chị ra đi như thể nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ và một lúc lâu chúng tôi chưa biết chị còn sống hay đã chết. Ít phút trước 4 giờ, khuôn mặt chị biến đổi trở nên rất xinh đẹp, tươi cười và rạng rỡ… Chị đã từ giã dân làng để lại hương thơm đức hạnh và thánh thiện. Mấy tiếng sau, trong lễ đưa chân, tôi nhắc mọi người về kho báu Chúa đã tặng cộng đoàn… Chị Kateri đã chết như chị đã sống, nghĩa là một vị thánh. Ai cũng tiên đoán một người đã sống như vậy thì sẽ chết thế nào, vì chị đầy ơn Chúa Thánh Thần…”

 Trên mộ chị Kateri, các cha phụ trách cho ghi dòng chữ: “Bông hoa xinh đẹp nhất xưa nay nở giữa dân da đỏ”. Cha Chauchetiere cho xây một nhà nguyện gần mộ chị. Từ năm 1684, khách hành hương bắt đầu đến cầu nguyện với chị.

Một cô gái da đỏ bán khai sống ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 17 có một sứ điệp gửi cho chúng ta sống trong thế kỷ 21? Dường như giữa ngài với chúng ta không có một liên hệ nào. Tuy nhiên, trong một thế giới tục hóa, giữa bao nhiêu tiến bộ khoa học và ký thuật vẫn đầy mâu thuẫn này, hình như khuôn mặt đơn sơ và thánh thiện của ngài vẫn có thể thu hút và gợi hứng cho những người đang đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa, xây dựng một thế giới công bình và hòa bình.

Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa giáo phận Santa Fe, Mêhicô

***

Gm. Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung